11. ANH SẼ TÌM NGỌN ĐÈN CHO EM.
Liêu Văn Đạo, hai mươi tư tuổi, nhạc công quán Địa Đàng; vẻ điển trai của anh ta đủ khiến nhiều thiếu nữ tình nguyện cùng anh diễn cuộc tình một đêm.
An An khao khát một mái nhà, có người chồng biết cảm thông chia sẻ, sống cuộc sống bình thường của tầng lớp công chức. Cô chưa bao giờ nghĩ bạn trai của mình lại làm việc trong quán bar. Trong xã hội hiện nay, quán bar thường gắn với cuộc sống ban đêm, mà cuộc sống bán đem có nghĩa là du đãng, tiền bạc, xác thịt và trụy lạc. Vậy thì chàng nhạc công trong quán bar, đêm qua suýt xảy ra cuộc tình một đêm với An An, lấy gì để cô tin tưởng? An An đọc mẫu tin, do dự, cố kìm nén cảm xúc, bỏ điện thoại vào túi.
Vừa mới sẩm tối, người dân đã đổ ra đường tận hưởng không khí mát mẻ, thoáng đãng sau nửa tháng trời chịu đựng cái nắng nóng oi ả. An An cảm thấy vô vị, bèn đi đến cửa hàng bán đồ ăn nhanh.
Vừa mút sữa cô vừa đưa mắt nhìn quanh xem có bao nhiêu người dến hiệu ăn một mình như mình. Đảo mắt hồi lâu, cuối cùng nhận ra: chỉ có mỗi mình cô.
An An không thích ăn rau sống, cô thận trọng gắp những cọng xà lách, rau mùi kẹp trong bánh bỏ ra ngoài, thong thả cắn từng miếng. Chẳng có vị gì !
An An quan sát đôi tình nhân ngồi bàn bên. Cô gái nũng nịu dẩu môi để bạn trai bón cho từng miếng, nét mặt hớn hở, vẻ thoả mãn. An An chợt nghĩ, nếu bà mẹ chàng trai mà chứng kiến cảnh này, chắc chắn bà sẽ ghen tỵ với con gái.
Mấy cái bàn sát cửa sổ phía xa đã bị đám thanh niên có vẻ là sinh viên chiếm cứ. Trước mặt họ chỉ là những cốc nước khoáng; họ đang chăm chú viết lách gì đó. An An nghĩ, có lẽ họ học cùng trường với anh trai mình cũng nên (bởi cách đó không xa là trường Đại học Trùng Khánh).
Quán ăn có điều hòa, cảnh trí và ánh sáng phảng phất như trong thần thoại, mùi bánh mỳ nướng và thịt gà quay. Dù có hơi đông đúc nhưng là thế giới khác biệt. Liệu có một nơi mát mẻ, yên tĩnh, lý tưởng nào hơn để học bài, chiếm chỗ mà không cần gọi đồ ăn? Chỉ có sinh viên mới nghĩ ra chiêu đó.
Gần An An nhất là đôi tình nhân sinh viên. Họ ngồi đối diện nhau, cùng chăm chú đọc sách. Cô chú ý đến phía dưới gầm bàn; hai chân họ đang quắp vào nhau. Bàn chân cô gái thon dài, trắng trẻo. Bàn chân chàng trai màu tiểu mạch, rắn chắc, khoẻ mạnh. Chân cô gái dịu dàng gác lên chân chàng trai. Đôi chân cứng cáp và bình ổn cho chàng trai khoẻ mạnh là chỗ dựa vững chắc cho cô gái. An An thấy xúc động trước cảnh đó: đen trăng đan xen, cùng dựa vào nhau, như dính vào nhau không thể tách rời. Trông giống cây thân leo quấn quanh cây thân một.
Còn nhớ hồi nhỏ, gần nhà có một cây đại thụ, ngọn cao tưởng chừng chấm vào mây, tán xum xuê, lá ken dày. Về sau, những dây leo không biết từ đâu đeo quấn lấy thân cây, vươn lên cao, càng lên càng xanh tốt, dần dần tất cả các cành, chạc, tay đều bị dây leo phủ kín. Cha nói, sớm muộn cây đó cũng bị dây leo chèn chết. Quả nhiên, hai năm sau, cây đại thụ cao lớn ấy bỗng đổ gục chỉ sau một trận mưa bão. Những dây leo chằng chịt xanh tốt cũng khô héo sau đó mấy ngày. Nhưng chúng vẫn quấn chặt thân cây, như một cô gái ôm riết người tình. Thì ra, tình cảm dù đằm thắm đến mấy vẫn có thể gây tai hoạ!
Đương nhiên, đôi tình nhân đáng yêu này không giống như cây đại thụ và dây leo. Họ đang chăm chỉ học hành. Họ là tương lai của đất nước. Đôi chân họ vẫn có thể bình tĩnh đọc sách. An An bỗng thấy khâm phục. Cô nghển đầu, liếc nhìn cuốn sách trong tay cô gái. Trên đó là những hình vẽ hình học không gian.
An An vội trở về tư thế cũ, cố gắng không nghĩ đến cô gái với cuốn sách hình học không gian trên tay. Chợt nghĩ, bản thân cô đã dành được bao nhiêu thời gian cho học tập? Vào trường đại học gần như đồng nghĩa với vào chốn buông thả, trụy lạc - nơi ấy cứ việc phung phí thời gian thoải mái, không phải lo miếng ăn hằng ngày. Rồi cô bỗng nhớ tới mẹ, tháng tháng phải gom góp, gửi tiền lên đúng ngày, chỉ mong con thành tài.
Đây là lần thứ n cô thầm hứa: Phải cố gắng học!
An An hấp tấp lấy giấy bút trong túi lên kế hoạch học tập, mỗi ngày đọc bao nhiêu trang sách, ôn bài vào lúc nào, chuẩn bị bài trước bao nhiêu lâu. Sau khi lập ra kế hoạch chi tiết như vậy, cô thấy lòng nhẹ nhõm; coi như thành công một nửa. Cô như nhìn thấy khoản tiền học bổng đầu tiên, nhìn thấy công văn xin người của những công ty lớn. Lập tức, cảm giác hối hận lúc trước bỗng tiêu tan. An An vui vẻ ăn hết suất bánh đã gọi, bước ra khỏi cửa hiệu cô nghĩ, phải về nhà học thôi.
Ngoài đường bắt đầu có gió, khi gió mang theo bụi táo vào mặt An An thì quyết tâm học hành của cô đã giảm một nửa. An An nhìn dòng chữ cuối cùng trên bảng kế hoạch vừa rồi: “Kiên trì đến cùng, quyết không bỏ dỡ”, bỗng động lực học tập không còn mạnh mẽ như một phút nữa. An An biết cô đã dao động và kế hoạch học tập chi tiết kia cuối cùng vẫn chỉ nằm trong sổ tay thôi. Mà suy cho cùng, học tập là công việc tẻ ngắt, chơi thích hơn nhiều.
Rốt cuộc, An An cũng chỉ là một cô gái bình thường, khó kiểm soát cái đầu bướng bỉnh và những cảm xúc nhất thời của mình. Khi cảm xúc qua đi, lý trí cũng tiêu tan.
Đang lúc An An đang phân vân có nên về nhà học bài như kế hoạch không thì có tin nhắn – tin của Liêu Văn Đạo. Chàng nhạc công hỏi: “Bọ Con, em đang ở đâu?”. Khi cô nói địa điểm, chỉ năm phút sau anh ta đã xuất hiện, trang phục và phong thái khoẻ khoắn như một vận động viên, cố ý nháy mắt với cô, vẻ thân mật.
An An hỏi: “Anh bay đến hả?”
“Anh có việc đi qua đây.” Anh ta nói nhưng thấy ánh mắt nghi hoặc của An An mới ngưọng nghịu chữa lại: “Được rồi, đúng là anh cố tình đi tìm em, thật đấy! Chẳng lẽ em không cho anh một cơ hội ư?”
An An cười đắc ý. Khi An An cười, mái đầu nghiêng nghiêng, mắt khép hờ rất dễ thương, hàng răng trắng bóng, đều tăm tắp như những hạt ngô nếp.
“Phải nói như vậy mới đúng. Ha ha!”
Liêu Văn Đạo để ý thấy An An có một chiếc răng khểnh. Thấy cô cười thoải mái như vậy Liêu rất vui. “Bọ Con, bây giờ em có rỗi không?”
An An trả lời có. Giờ thì cô đã quên hẳn cái kế hoạch học tập nằm trong túi.
“Tốt quá! Anh sẽ đưa em đi tham quan làng gốm”.
“Bọ Con, đừng từ chối anh! Anh đã phải xin nghỉ phép một ngày vì em đấy. Em phải biết bọn anh chỉ có bảy ngày phép cho ba tháng.” Chàng nhạc công khẩn khoản, giọng thiểu não.
Sau đó An An để cho chàng nhạc công kéo tay lên xe buýt. Trên xe, An An tỏ ra rất vui, hỏi luôn miệng.
“À, mà làng gốm ấy ở đâu?”
“Đó là một thị trấn cổ. Đến khắc biết, nhất định em sẽ thích.” Biết An An chưa bao giờ đến chỗ ấy, Liêu Văn Đạo tỏ vẻ bí mật.
Nhận thấy anh chàng nhạc công vẫn nắm chặt tay mình, An An vột rút tay về.
“Có phải anh em thì có thể thân mật như vậy?”
Liêu Văn Đạo cười phá lên: “Nhưng anh chưa bao giờ nhận em là em gái.” Rồi anh ta chăm chắm nhìn cô với ánh mắt ngây dại khác lạ, đến tận khi cô xấu hổ, đỏ bừng mặt.
Làng gốm là một thị trấn cổ ven sông Gia Lăng. An An vừa nhìn thấy đã thích ngay. Những ngôi nhà cũ kỹ, những cái cổng cổ kính, con đường làng lát đá tảng xanh nhẵn lỳ, những món quà quê khỏi cần rao cũng thấy hấp dẫn, hoàn toàn yên tĩnh trong buổi chiều tà. Gần tắt nắng, cảnh vật càng trở nên trang nghiêm, trầm mặc.
An An rất đỗi kinh ngạc. Từ khi bước chân vào làng, cô bỗng ít nói hơn, có lẽ là sợ tiếng nói của mình làm khuấy động sự yên tĩnh nơi này. Mấy lần cô lẩm bẩm: “Tại sao trước đây em không hề biết nơi này? Em đến Trùng Khánh đã gần một năm kia mà.”
Cô thích những cái vòng tay thô sơ, những cái bình mộc mạc, xinh xắn nhưng đúng là tác phẩm nghệ thuật đích thực. Cô thích những nghệ sỹ biểu diễn Kinh kịch trong các ngôi nhà cổ, thích những ông già chơi đàn bên đường.
An An nhảy nhót như con chim sẻ trên những tảng đá lát đường màu xanh, phẳng lỳ, ngưỡng mộ nhìn những sinh viên trường Mỹ thuật miệt mài bên giá vẽ. Cô tò mò ngắm nhìn tác phẩm còn dang dở của họ. An An nghĩ, hôm nào phải đưa Mai Mai đến đây, chắc chắn chị ấy vẽ đẹp hơn họ.
Liêu Văn Đạo hiếu kỳ quan sát cô bạn cá tính. Anh muốn túm lấy lọn tóc cột cao sau gáy của cô, kéo cô vào lòng.
“Ha ha! ở đây sao nhiều đồ ăn thế!” An An tiến lên vài bước, đi giật lùi trước mặt Liêu Văn Đạo, miệng liến thoắng. Vẻ trầm tư lúc cô ngắm nghía những món đồ cổ đã tiêu tan, cô trở lại là một An An láu lỉnh như con cá nhỏ. Nhìn đôi môi cong lên, phụng phịu của cô, Liêu Văn Đạo bật cười: “Bọ Con muốn ăn rồi hả? Cứ thoải mái, anh chiêu đãi”.
Chỉ đợi có thế, An An lập tức không làm khách nữa. Tôm nướng, thịt dê xiên tẩm vừng nướng, thịt gà trộn rau…Món nào cô cũng thử. Đây là quà vặt, không đắt mà lại rất ngon, cách chế biến, bày biện và hương vị đậm chất dân dã. An An ăn từ đầu làng đến cuối làng. Khi không thể nào ăn thêm được nữa, cô lại có yêu cầu mới.
“Này, em chợt nhớ ra, năm phút trước khi anh xuất hiện, em đã chén no một suất hamburger ở nhà hàng. Làm thế nào bây giờ?”.
Liêu Văn Đạo muốn té xỉu. Họ vội đi tìm nhà vệ sinh.
Làng gốm nằm ven sông Gia Lăng.
Mặt trời đã lặn, đêm xuống rất nhanh.
Hai người ngồi bên bờ sông.
Mới vào mùa mưa, nước sông đã lên khá cao. Liêu Văn Đạo nhìn những con sóng lô nhô nhuộm ánh đèn lan trên mặt sông, đầu óc quay cuồng. Dòng sông ban đêm càng trở nên huyền hoặc.
An An có lẽ ăn quá no, nằm dài trên bãi cỏ, đầu gối lên tảng đá, ngước nhìn trời sao, tuy hơi thưa nhưng rất sáng. Tiếng sóng rất gần, ngay sát bên tai. Phía đầu cô là thị trấn cổ, phía chân cô là sông Gia Lăng, trước mắt là bầu trời, dưới thân là mặt đất. An An cảm thấy mình quá nhỏ bé. Cô thầm nghĩ, thì ra cuộc sống có thể như thế, ngoan ngoãn thừa nhận sự yếu đuối nhỏ bé của mình.
Liêu Văn Đạo liếc nhìn cô gái. An An khép hờ mi mắt, thật đáng yêu, hai tay để lên trán, nửa người dưới bó gọn trong chiếc quần bò, một chân duổi thẳng, một chân co rất tự nhiên. Do cô nằm ngửa, bờm tóc không che hết trán, vết sẹo xấu xí lại lộ ra. Anh bất giác đưa tay sờ sờ lên đó.
An An rất nhạy cảm với vết sẹo nơi vầng trán, cô bật dậy, hai tay anh ra, trợn mắt hét: “Anh làm gì vậy?”. Mặt cô biến sắc trông thật dữ tợn.
“An An, em nhìn kìa!” Liêu Văn Đạo không phật ý trước thái độ của An An. Anh mỉm cười, dịu dàng vẽ tay về phía bờ sông đối diện, bên đó có một biển đèn rực rỡ: “Em muốn có một ngôi nhà của riêng em không?”.
An An nhìn theo phía tay Liêu chỉ. Biển đèn quả là tráng lệ, lung linh muôn màu, phản chiếu xuống mặt sông nhấp nhô, lấp lánh, đẹp thật! Ý nghĩ của cô lập tức trở về nhà. Cô vốn có một gia đình, có bố mẹ, anh trai và chị gái.
Chị rất đáng thương. Chị bị câm từ nhỏ. Mười bốn năm trước chị đã cười, nụ cười đầy thù hận. Trong ảnh, tay chị nắm chặt cánh tay anh trai, như muốn dựa vào anh.
An An im lặng, Liêu nói khẽ: “Anh giúp em tìm ngọn đèn của em nhé?” Anh nắm chặt tay cô trong bàn tay mình. “Dù cũng chỉ là một trong những ngàn vạn ngọn đèn, anh vẫn muốn nó thuộc về chúng ta, thuộc về anh và em”.
An An ngước mắt lên. Trông Liêu lúc này rất thành tâm, giống như đang cầu nguyện. “Có lúc thấy em cười…”. Liêu vuốt ve vết sẹo, An An muốn tránh ra nhưng anh vẫn giữ chặt, tiếp tục nói: “anh vừa vui vừa buồn…”.
An An chớp mắt, một giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống tay Liêu.
“Trước hết, cho anh xin lỗi về chuyện tối qua”. Liêu ôm chặt An An không để cho nước mắt cô tiếp tục rơi. “Hơn nữa, anh rất thực lòng. Bởi vì mấy năm trước anh cũng từng nhìn những ngôi nhà sáng đèn và cũng thầm ước về ngôi nhà của mình”.
An An kinh ngạc ngẩng đầu, cô tưởng Liêu cũng như hầu hết bọn đàn ông bây giờ chỉ thích tự do, thích những mối tình mạo hiểm. An An đột nhiên cau mày: “Vớ vẩn!”. Cô bật dậy hét vào mặt anh: “Ra vẻ quá nhỉ? Đừng quá tưởng bở!”.
Liêu ngớ người, anh tưởng sau câu đó, An An sẽ ngã vào lòng anh bật khác, không ngờ cô ta chế nhạo anh không thương tiếc. Anh giơ tay giả bộ đánh cô. An An co giằng chạy, vừa chạy vừa cười rất to, rất sảng khoái. Từ bao đời nay, trai gái yêu nhau vẫn thường đùa giỡn, chạy đuổi nhau; và bây giờ họ cũng thế. Thật thú vị, thật lãng mạn, chỉ có những người trải qua mới cảm nhận được.
“Bọ Con, đừng cười nữa!”
“Vì sao?”
“Em cứ cười sẽ làm mặt trời thức giấc, Trùng Khánh lại nóng chết đi mất.”
“Ha ha!...”
12.NẰM VIỆN
Một người khi đang gặp thời thường có nhiều người cầu cạnh, nịnh bợ, và anh ta tiếp nhận sự nịnh bợ của người khác như một lẽ đương nhiên. Nhưng lúc thất bại vẫn có người quan tâm, tình cảm đớ mới thật đáng quý. Vì vậy, khi những người bạn cùng lớp ngày thường chỉ gật đầu chào nay lại đến thăm tôi, tôi thực sự cảm kích.
Lúc ốm đau, tôi cảm thấy mình như rơi xuống vực.
Khi thành công, người ta hay coi thường người khác, chỉ khi ốm đau mới thấy thực sự cần tình thân.
Xa nhà, ốm đau lại càng nghĩ ngợi nhiều. Tôi ngước nhìn lên trời, nhận thấy trăng Trùng Khánh không tròn bằng trăng thị xã quê mình.
Mai Mai về nhà lấy đồ, tôi càng thấy cô đơn. Cho nên khi Hồ Khả xinh đẹp xuất hiện trước mặt, tôi mừng như hoá điên. Theo sau Hồ Khả là Hà Tặc. Hắn ta vừa vào đã kêu lên: “Không ổn, sắc mặt cậu rất kém!”.
Ngồi lên giường, thân hình to lớn của hắn dường như muốn đẩy tôi ra mép giường. “Đi đi, dậy đi đá bóng thôi. Tớ vừa từ quê lên, vừa về trường đã vào thăm cậu đấy. Này, không tiếc sao, thời giờ quý báu đã bị cậu lãng phí ở đây rồi. Nói đi, cậu ốm thế nào? Sao không nói, bị câm rồi hả?”.
Mười phút sau, một nữ y tá xuất hiện nơi ngưỡng cửa cắt ngang câu nói của Hà Tặc, nghiêm khắc nhắc hắn không được làm ồn.
Cô y tá đi khỏi, Hà Tặc phẫn nộ nói: “Đắc ý cái gì? Chỉ là y tá mà cũng làm bộ? Trông như quỷ ấy. Chân vòng kiềng, ngực lép, mông tóp, khác nào bọ ngựa…”. Cậu ta nói một thôi một hồi, đương nhiên chỉ có mấy chúng tôi nghe, thực ra cũng chỉ là muốn giữ sỹ diện trước mặt tôi và Hồ Khả.
Hồ Khả đã cười nhiều đến nỗi bật ho. Cô nói làm người phải nhân hậu.
“Nhân hậu cái con khỉ, dựa vào đâu mà phải nhân hậu với cô ta?”. Sau đó cậu ta lại luyên thuyên đủ thứ chuyện với cái kiểu uốn lưỡi đặc sệt khẩu âm Đông Bắc của mình.
Tôi mặc kệ, tập trung chú ý vào Hồ Khả. Tôi nói: “Hồ Khả, không phải bạn đến đòi tôi cái ô chứ?”.
Hồ Khả ngớ người, rồi cũng đùa theo: “Đúng thế, ô của tôi đâu?”.
“Rất tiếc, tôi không mang đi, tôi cất ở nhà.”
Hồ Khả cười, bảo tôi ngay lúc ốm cũng không thật thà.
Đúng thế, tôi ốm. Khi tôi ốm, cơ thể chỗ nào cũng có vấn đề. Nước mũi nhân lúc giao thông ách tắc cứ chảy ra. Tôi chỉ cho Hồ Khả đống giấy lau mũi to đùng.
Thấy nước mũi chảy, tôi luống cuống lục ngăn bàn tìm giấy lau, sợ Hồ Khả nhìn thấy. Hồ Khả mỉm cười: “Không sao”, đoạn lấy trong túi ra một tập khăn giấy tự tay lau mũi cho tôi. (Tôi không hiểu tại sao trong túi các cô gái lúc nào cũng có khăn giấy.). Tôi hơi xấu hổ từ chối: “Cứ để tôi”. Hồ Khả nhẹ nhàng nói. Tôi đành ngồi yên, ngoan ngoãn để nàng lau mũi cho.
Người Hồ Khả rất thơm, tôi ngửi hương thơm từ tấm thân thanh nhã của nàng, tay nàng cầm giấy nhẹ nhàng lau trên môi tôi. Khăn giấy của nàng thơm biết mấy. Mấy sợi tóc mai của nàng vờn trên má tôi, tôi ngồi thẳng đơ, không dám động đậy.
Tôi lập tức cảm thấy bị hương thơm của nàng bao bọc, toàn thân tê cứng; cảm giác này khiến tôi lúng túng nhưng vẫn rất thích. Lúc đó, bàn tay trái cắm ống truyền nước của tôi để dưới người nàng.
Hôm nay Hồ Khả mặc váy, trước ngực in hình khuôn mặt một cô gái đang cười rất tươi, cũng đẹp và đáng yêu như Hồ Khả. Phía trái, khuôn mặt còn có hình một con mèo màu đen trông dữ tợn, mắt tròn vo, thật ngộ. Tôi thấy thích con mèo, bất chợt cánh tay đang truyền nước sờ vào đầu con mèo, tôi thề là lúc đó tôi hoàn toàn không có ý xấu. Khi tay tôi chạm vào vật gì mềm mềm thì ngực tôi hứng trọn một cú đấm: “Làm gì thế, đồ lang sói!”.
Hồ Khả phản ứng, tôi xấu hổ ôm ngực, thầm trách con gái Trùng Khánh buồn vui bất thường. Tôi xin lỗi nàng, nhưng thầm nghĩ thực ra tôi đâu có lỗi.
Hà Tặc đứng bên cười ngặt nghẽo. Hồ Khả đỏ mặt. Tôi rầu rĩ nhìn kỳ, thì ra vị trí của con mèo ở đúng ngực Hồ Khả. Tôi bất giác đỏ mặt, quay đi, không dám nhìn vào mắt nàng. Nhưng cảm giác lúc tay tôi chạm vào ngực nàng vẫn còn nguyên vẹn.
Hồ Khả mắng tôi là đồ lang sói. Tôi đúng là con sói.
Hà Tặc vẫn cười. Hồ Khả tức giận đánh hắn. Tôi vội giấu mặt vào gối, đành làm con sói trong hang. Nhưng ánh mắt vẫn cứ liếc vào nơi không nên nhìn - chỗ có “đoá hoa” thiếu nữ. Đoá hoa của Hồ Khả có một con mèo dữ trông chừng, tôi ghen với nó. Từ đó, mèo là kẻ thù của tôi; cả con Sbin của An An cũng bị vạ lây.
Tiếc là Hồ Khả chỉ ngồi một lát rồi bỏ đi, tôi năn nỉ nàng nán lại một chút nữa. Nàng không chịu, đứng dậy ra về, để tôi lại với cái mặt nhăn nhở của Hà Tặc. Hai phút sau Hồ Khả lại xuất hiện nàng thò đầu qua cửa. Tôi sung sướng reo lên: “Hồ Khả! Bạn không nỡ về phải không?”.
“Lần sau nhớ trả cái ô cho tôi!”. Nói xong nàng đi, lần này là đi thật. Tôi thất vọng hơn cả lúc trước khi nàng ra về.
Hà Tặc nhìn quanh, lẩm bẩm: “Tớ thấy phòng bệnh của cậu hình như thiếu cái gì ấy.” Cậu ta nói, giọng nghiêm trang hiếm thấy, mắt vẫn đảo khắp phòng.
“Cậu còn nhin cái gì? Chẳng phải cậu thấy thiếu cô em An An của tôi sao?”. Con lỏi này thật vô lương tâm, từ khi tôi nằm viện nó mới đến thăm có một lần. Tôi phẫn nộ, định bụng lần này nó đến nhất định sẽ mắng cho một trận. Nhưng An An bao giờ cũng giở trò gì đó. chỉ cần nhìn thấy đôi mắt nó là tôi lại xuống thang.
“Ừ, đúng là thiếu cô ấy. À mà không có cô ấy thì tớ ở đây làm gì?”. Nói xong, mặt hắn trở nên tư lự.
Ngày hôm sau A Thụ đến, cũng nói phòng tôi thiếu gì đó. Rồi hắn đi thẳng, hai tiếng sau quay lại, mướt mã mồ hôi; tôi tưởng vừa có con trâu vào phòng. Hắn cầm cái túi nylon không biết bên trong đựng gì.
Tôi nói: “Quà gì vậy? Đàn ông đàn ang với nhau cả, cần gì phải khách sáo thế?”. Đoạn quay sang bảo Mai Mai nhận.
A Thụ đắc ý, bảo phòng tôi thiếu cái gì đó, cao nhân thường thích những thú chơi tao nhã nên cậu ta có mấy con cá vàng tặng tôi để trong phòng cho vui mắt.
Tôi nhìn mấy con cá bơi trong bình, không biết loại cá gì, nhưng vẫn nói: “Cá chúa, nhất định rất đắt, cậu cạn túi vì tớ chắc?”.
“Không, một chút lòng thôi. Tớ cũng định để trong phòng một cái bình như thế này, bỏ tý tiền có gì đâu!”. Sau đó cậu ta còn nói: “À không phải cảm ơn! Mai Mai, em cũng thích nuôi cá phải không?”. Hắn nhìn Mai Mai cười nịnh.
“Con mèo của An An có lẽ cũng thích.”. Tôi nghĩ.
A Thụ cung kính để cái bình cá cạnh đầu giường tôi, thận trọng rắc vài hạt thức ăn, như sợ làm tổn thương con cá cao quý. Không ngờ anh chàng cũng có lúc tinh tế vậy.
Sau đó A Thụ dặn tôi hằng ngày thay nước, cho cá ăn theo giờ. Rồi lại dặn Mai Mai vẫn nội dung đó.
Mấy con cá không chịu nổi giày vò, hai ngày sau, chúng lần lượt phơi bụng trên mặt nước. Sáng hôm đó, vừa tỉnh dậy tôi đã thấy năm cái bụng trắng nôit lềnh phềnh, cảnh tượng thật bi tráng. Khi A Thụ đến thăm, thấy thế có vẻ xót xa nên càng yêu quý hai con còn lại, chỉ thiếu nước chưa đo nhiệt độ cho chúng. Nhưng phúc hoạ khôn lường, tuổi thọ của hai con cá còn lại cũng không cao, cuối cùng, chúng đã ra đi sau một buổi chiều không mưa không gió. Thực ra, tôi có lòng tốt thay nước chúng, ai ngờ một con nhảy lên rớt xuống cống, một đi không trở lại. Sợ con còn lại cô đơn, tôi đổ nốt xuống cống cho chúng có bạn.
A Thụ đến, nhìn thấy cái bể cá trống không, đứng ngây như trời trồng, lát sau mới lên tiếng: “Cậu ăn chúng rồi sao?”.
Tôi đang phân vân về sự ra đi của hai con cá thì Mai Mai dẫn mẹ vào.
“Mẹ!”. Tôi hét to, ngạc nhiên, sung sướng.
A Thụ đứng sau lưng tôi cũng tươi tỉnh trở lại, ngập ngừng: “Cháu chào bác ạ!”.
13. NHỮNG LỜI PHÀN NÀN CỦA MẸ
“Dương Dương!”. Mẹ vừa gọi tên tôi vừa lao đến bên giường: “Làm sao phải nằm viện? Sao không chú ý, thảo nào mẹ sốt ruột quá!”. Sau đó mẹ xoa mặt tôi, lẩm bẩm: “Con gầy quá!”. Bà ngắm nghía tôi rồi rút ra kết luận: “Có phải con kém ăn không?”. Mẹ tôi là người hay nói, mẹ có thể nói liền mấy tiếng đồng hồ. Đương nhiên, đấy là chuyện hồi ở quê, tôi và An An đã có lần dùng đồng hồ theo dõi. Không ngờ đến bây giờ khả năng nói của mẹ vẫn không thuyên giảm.
Tôi nhớ, mẹ đã thích vuốt ve khuôn mặt tôi. Mẹ nói chỉ cần sờ là biết tôi béo hay gầy.
Ba năm tôi không về nhà, ba năm không nhìn thấy mẹ, vậy mà lần đầu gặp lại, cử chỉ đầu tiên của mẹ vẫn là sờ mặt tôi, nước mắt tôi trào ra.
“Mẹ!”. Tôi ôm lấy mẹ, bây giờ mẹ đã béo hơn. Giọng tự nhiên nghẹn ngào, tôi không ngờ mẹ lặn lội đến thăm chúng tôi, đúng vào lúc tôi ốm đau, chán nản.
“Ôi dào, lớn thế này mà vẫn làm nũng! Không sợ các bạn cười ư?”. Mẹ mắng yêu nhưng lại ôm tôi chặt hơn, giọng mẹ cũng lạc đi như sắp khóc. “Con cũng tệ lắm, ba năm không về nhà, làm mẹ…làm mẹ mong quá. Chắc đến khi mẹ nằm xuống con cũng không biết! Rồi lúc ấy con về quê gọi ai bằng mẹ đây?”. Nói đoạn mẹ ôm tôi khóc hu hu.
“Mẹ, mẹ nói những chuyện ấy làm gì!”. Không kìm nổi nước mắt, tôi vùi mặt vào cổ mẹ, đó là bến cảng an toàn, quen thuộc nhất của tôi thuở nhỏ, đến giờ trong trí nhớ của tôi vẫn lưu giữ hình ảnh đó. “Mẹ, mẹ sẽ sống trăm tuổi!”. Thực ra tôi không phải là đứa trẻ hay làm nũng, từ nhỏ tính tôi đã thích độc lập, thích tự do, đây cũng là nguyên nhân tôi chọn một nơi xa như Trùng Khánh để học đại học. Trước đây, hồi ở nhà, mẹ không lúc nào để cho tai tôi được yên. Mẹ nói luôn mồm, như đọc kinh. Tôi gầy, mẹ phàn nàn bảo tôi ăn; tôi béo, mẹ giục tôi giảm béo. Mẹ nghĩ gì trong đầu lập tức nói ra miệng, chính mẹ cũng không ngờ là miệng mình cứ tự hoạt động như thế. Con nhớ, lúc xem Tây du đại thoai, tôi và An An bỏ phiếu thông qua, chúng tôi sẽ không nói gì, cứ để mẹ là phiên bản của Đường Tăng. Câu cửa miệng của mẹ là : “Nếu mày còn thế tao không nói nữa! Tao nói cho mày biết, mày…”. Tôi không biết làm thế nào, đeo tai nghe lên, một tiếng đồng hồ sau bỏ ra thấy mẹ đang nói. Có lúc mẹ nói như hát, bản lĩnh này nếu không được rèn luyện suốt năm, mười năm thì nhất định không thể cao cường đến vậy.
Thực ra ba anh em tôi đều rất quý mẹ, chỉ có cái bệnh nói nhiều của mẹ làm chúng tôi không chịu nổi. Về sau, mỗi lần thấy mẹ bắt đầu nói là tôi trốn, trốn không được thì bỏ chạy. Bây giờ lâu lâu không được “nghe ca nhạc”, quả là có nhớ, nhất là lúc tôi bị ốm.
Nghe giọng phàn nàn đã lâu không được nghe của mẹ, tôi xúc động, sống mũi cay cay. Đã bao năm không biết nước mắt là gì, bây giờ không kìm được, nước mắt tôi cứ trào ra. Mẹ cũng gục lên vai tôi, nước mắt chan hoà. Mẹ vừa khóc vừa kể lể:
“Con thật là…ngần ấy năm không thèm về nhà nhìn mặt mẹ lấy một lần, có biết mẹ cô quạnh, buồn tủi lắm không!...”.
"Con thấy chưa, con không biết tự chăm sóc, lại ốm nữa…làm sao mẹ yên tâm được!”.
“Ô, chúng mày lớn rồi, sắp bay được rồi, làm gì còn nhớ đến mẹ? Làm gì còn nhớ mẹ nửa đêm thay tã lót, pha sữa, miếng cơm miếng cháo nuôi ba anh em chúng mày…”.
Mẹ càng nói càng buồn, khóc càng to.
Cô y tá lại xuất hiện. “Không được khóc to ở bệnh viện. Bệnh nhân cần được yên tĩnh.”. Lúc đó mẹ tôi mới thôi khóc, xin lỗi cô y tá. “Xin lôi, xin lỗi cô y tá, cô không biết chứ, tôi đến thăm con, nó là con tôi”. Mẹ xoa đầu tôi. “Chúng nó đều học đại học ở Trùng Khánh của các cô đấy, nó học năm thứ ba rồi. Vào đại học những tưởng chững chạc hơn, ai ngờ lại không biết tự chăm sóc, không đúng thế sao? Thằng bé này tệ lắm, ba năm không về nhà….”. Mẹ lại bắt chuyện với cô y tá.
Tôi ra hiệu cho mẹ. Cô y tá không có cách nào thoát ra được, thấy mẹ không có dấu hiệu dừng lại, đành ngắt lời: “À, xin lỗi bác, tôi phải đi trực bây giờ”. Lúc đó mẹ mới thôi nói, dúi hai quả táo vào tay cô y tá. “Vâng, cô đang bận, tôi không quấy rầy nữa. Đây là con tôi, sau này nhờ cô quan tâm đến cháu. Lớn thế này nhưng ở bên ngoài, xe mẹ, không ai chăm nom, ốm nặng thế này mà không biết. Nếu ở nhà, tôi đã chẳng để nó ốm lâu như vậy, đã sớm đưa đến bệnh viện chữa trị rồi”.
“Xin lỗi bác, tôi phải đi làm việc”. Cô y tá cầm quả táo, không thể không nhắc mẹ lần nữa.
“Vâng, nhất định là cô rất bận, cô đi làm việc đi”.
Sau đó cô y tá đáng yêu chuồn thẳng, nhanh như tránh bệnh dịch. Tôi dám chắc nếu bây giờ phòng tôi có mở tiệc cô ta cũng không dám đến nhắc nhở.
Tôi nằm trên giường, nhìn mẹ, tôi thấy mẹ thật đáng yêu. Trước đây tôi không nhận thấy mẹ càu nhàu mà lại thân thiết như vậy. Đây là mẹ tôi, người đã sinh ra tôi.
Mẹ nhìn tôi, lại bắt đầu: “Con xem, con lớn như vậy, tự dung sao lại cười? Đi ra ngoài phải học cách sống, mọi người đâu có như con, không thích giao thiệp, sau này sẽ bị thiệt thòi! Bây giờ mẹ không nói con nữa, nói nhiều con lại giận. Con lớn thế này, thầy giáo cũ của con gặp mẹ còn nói con ít nói…”. Phần sau mẹ còn nói những gì tôi không chú ý, không nghe cũng không biết mẹ nói gì, nhưng tôi chăm chú nhìn mẹ, mảng tóc bên tai mẹ đã bạc thêm nhiều, nếp nhăn bên khoé mắt sâu hơn. Mẹ già nhanh quá. Hoá ra mẹ cũng già. Trước đây tôi không quan tâm đến điều đó. Thì ra, được nằm nghe những lời phàn nàn của mẹ thật là hạnh phúc!
Mẹ nói rất nhiều. Nhưng lại rất đáng yêu.
Tôi thấy mắt Mai Mai đỏ, rõ ràng khi đi đón mẹ em đã khóc. Bây giờ em đứng im nhìn mẹ. A Thụ đi lại quanh em, đưa giấy lau và nói lời an ủi vô tác dụng.
Ăn cơm xong, mẹ kê cái ghế dài cạnh giường tôi rồi ngồi xuống. Tôi biết mẹ lại sắp nói. Quả nhiên trong lúc pha sữa cho tôi, mẹ lại bắt đầu bài ca.
Tất cả những gì cần nói mẹ đã nói hết, có điều mẹ nói đi nói lại đến ba bốn lần, nói đến lúc không thể nghĩ ra cái gì để nói, lại nhắc chuyện ngày xưa của mấy anh em chúng tôi, từ khi tôi ra đời cho đến lúc Mai Mai, An An lớn lên. Mẹ nói một mạch đến mười một giờ.
A Thụ đã trở về trường. Mẹ cũng giục Mai Mai về nhà. Mẹ nhất định đòi ở lại bệnh viện chăm sóc tôi. Mẹ bảo: “Dương Dương đang ốm, cần có người ở bên”. Bất chấp sự phản đối của tôi, mẹ kiên quyết ở lại.
Bệnh viện về đêm rất yên tĩnh, giọng mẹ lên bổng xuống trầm, ngọn đèn đầu giường hắt ánh sáng màu vàng nhạt lên mặt mẹ, nhìn thật thân thiết. Nghe mẹ nói về sự bướng bỉnh của mình thời nhỏ, chốc chốc tôi lại cười, có lúc chảy cả nước mắt. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ chăm chú nghe từng lời mẹ nói như vậy. Mẹ nói, dù lẩm cẩm nhưng chan chứa yêu thương.
Bây giờ xa nhà, tìm được một người phàn nàn, ca cẩm về mình thực không dễ. Phàn nàn chứng tỏ quan tâm nhiều. Mẹ không nói: “Mẹ yêu con”. Tôi cũng không nói: “Con nhớ mẹ”. Trong lúc này nói yêu là thừa, là khách sáo. Yêu, không lời; kính, để trong lòng.
Mặt mẹ không tốt, bình thường mẹ không đeo kính, chỉ lúc khâu vá mới đeo cái kính kiểu cũ.
Bây giờ mẹ lại đeo cái kính cũ ấy pha sữa cho tôi dưới ánh đèn, miệng vẫn nói liên hồi: “Thấy bảo là bú sữa mẹ thì thông minh, con từ nhỏ chỉ dùng sữa bò mà cũng đỗ đại học!”. Nói đến đây mẹ có vẻ đắc ý lắm; có lẽ bà cho rằng con mình đỗ đại học rồi thì rất có tương lai. Tôi nhìn vẻ thoả mãn của mẹ, hối hận đã không cố gắng hơn để mẹ được tự hào về tôi. “Có biết vì sao sau này con không uống sữa bò nữa không? Lúc con ba tuổi, chẳng biết nghe ai bỗng một hôm quẳng bình sữa đi, nói như người lớn: “Mẹ, từ nay con không uống sữa bò nữa”. Quả nhiên sau đó con không uống, dỗ thế nào cũng không được, không biết tại sao hồi nhỏ con lại ương như thế chứ!”.
Mẹ vừa nói vừa lấy thìa quấy sữa, làn hơi bốc lên thoảng qua mặt mẹ, tôi thấy mắt mẹ đục hơn. Tôi còn nhớ trước đây mắt mẹ rất sáng, bất kể tôi làm gì mẹ cũng biết. Lúc nhỏ tôi rất sợ đôi mắt to, nghiêm khắc của mẹ. Khi ấy tôi chẳng thể tưởng tượng sẽ có lúc mắt mẹ lại đục mờ như vậy. Mẹ già thật rồi!
“Mẹ không mệt sao?”. Tôi ngắt lời mẹ, hỏi.
“Mệt? Có gì mà mệt? Không mệt tý nào! Ngày xưa phục vụ mấy anh em nhà anh còn chịu được, một tý thế này có thấm vào đâu, nhớ ngày xưa cơm không dủ ăn…”. Sau đó mẹ có thể nói nửa ngày trời về chuyện “ngày xưa”.
“Mẹ, bố có khoẻ không?”. Tôi lại ngắt lời.
“Ôi dào, đừng nhắc đến ông lão lẩm cẩm ấy, suốt ngày nốc rượu, đã biết huyết áp thấp, vậy mà cứ tối ngày rượu chè, để xem bao giờ ông ấy bỏ được rượu! Say khướt lại về nhà gây phàn nàn về bố. Tôi bịt tai, nghĩ sao trên đời lại có người phụ nữ lắm lời đáng yêu như mẹ.
Mẹ thổi sữa cho nguội bớt rồi đưa cho tôi, bảo cẩn thận kẻo nóng. Tôi không nói không rằng ngửa cổ uống hết cốc sữa. Ngọt, sánh, thơm…hoà quyện cả tình mẹ.
“Mẹ, sau này có tiền, con sẽ xây cho mẹ cái nha thật to!”. Đây là lời hứa đầu tiên của tôi với mẹ. Rõ ràng mẹ rất phấn khởi nhưng vẫn nói: “Xây nhà làm gì, chỉ cần anh kiếm được tiền đủ nuôi vợ con là tốt rồi. Mẹ không định lấy một đồng của anh, chỉ cần Tết đến anh về ăn bữa bánh do mẹ làm là mẹ vui lắm rồi”. Mẹ nói vậy nhưng rõ ràng bà rất vui, cuối cùng bà đã được nghe những lời hiếu nghĩa của đứa con trai.
“Mặc dù mới chỉ hứa, nhưng mẹ vẫn tin con là đứa có hiếu, ngoan, học được, không hút thuốc, không rượu, khá hơn ông lão nhiều”.
Mẹ nói một hồi, bỗng nhớ ra điều gì, liền hỏi tôi, vẻ bí mật: “Con đã có bạn gái chưa?”.
Tôi cười, nói: “Mẹ lo hão gì thế?”.
Nhưng mẹ không chịu, thấy tôi lảng, mẹ giống như trẻ con nhằng nhẵng hỏi bằng được.
Tôi nói chưa có. Mà chưa có thật. Chỉ có điều khi nói như vậy, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh của Hồ Khả.
“Thật chứ, con không dối mẹ chứ?’.
“Thật, chưa có thật”.
Mẹ có vẻ vẫn chưa tin, chăm chú nhìn vào mặt tôi, tôi mạnh dạn nhìn lại. Tôi chưa có thật, việc gì phải giấu, mẹ ngẫm nghĩ một lát, rồi nhìn tôi mỉm cười, có lẽ bà đã tin.
Nếu mẹ biết tôi có bạn gái, chắc chắn sẽ lại giáo huấn, nào là bây giờ hãy còn sớm, phải tập trung học hành, sau này công thành danh toại tìm đâu chẳng được vợ, vân vân và vân vân. Nhưng thấy tôi chưa có bạn gái mẹ cũng không vui: “Sao con gái Trùng Khánh làm cao thế, con tôi có gì không tốt? Sao lại coi thường người ta thế! Dương Dương, đừng sốt ruột, con đâu có kém ai!”.
Tôi cười sự đáng yêu của mẹ, tôi bảo không phải họ làm cao mà là con trai mẹ làm cao. Im lặng một lát, tôi nói tiếp: “Bây giờ chưa có nhưng sau chưa biết thế nào.”. Trong lòng tôi vang lên cái tên Hồ Khả - cô gái tràn ngập ánh mặt trời nhưng vẫn toát ra hơi lạnh.
Mẹ đã quên chuyện đó, lại bắt đầu bài ca của bà, nghĩ gì nói nấy.
Đêm đó tôi ngủ thiếp trong tiếng phàn nàn của mẹ, thật lạ là tôi ngủ rất say. Mẹ tốt quá, tuy nói hơi nhiều. Những lời phàn nàn của mẹ làm tiêu tan nỗi nhớ nhà bấy lâu của tôi.
Tôi nghĩ mình đã là chàng thanh niên hai mươi hai tuổi, có sự nghiệp và suy nghĩ riêng. Nhưng trước mặt mẹ, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ.