Phayna sốt ruột, đi lui đi tới:
- Anh nói đến hai tiếng con người với một ý nghĩa rất trừu tượng! Bun Thum cũng là con người, Kun Su cũng là con người, phải không? Nhưng tại sao con người này lại cắt lưỡi con người kia? Và anh là người thứ ba đứng nhìn cái cảnh dã man đó, nhìn và ray rứt và đau khổ và dằn vặt nhưng không có lấy một hành động nào để ngăn chặn lưỡi dao của tên đao phủ?
Suvantha nổi dóa:
- Anh Phayna! Tôi không muốn trở thành đối tượng để cho anh đùa cợt. Tôi bạc nhược, tôi yếu hèn…đồng ý! Thế nhưng, anh đã làm gì để những thảm cảnh ấy không tiếp tục xảy ra?
Phayna dịu lại:
- Nói thật với anh, tôi chỉ có thể cắn răng chấp nhận cuộc sống bị đày ải như một tên nô lệ thế này, vì tôi tin vào ngày mai. Và tôi muốn dự phần chiến đấu để có được ngày mai đó..Rồi quay về phía Chay Bofa:
- Chị Chay Bofa, chị không nói gì sao?
- Tôi không biết nói gì. Nhưng là một nghệ sĩ, tôi trực giác thấy một ngày mai nào đó, dân tộc Campuchia sẽ hồi sinh.
Suvantha khẽ lắc đầu:
- Hồi sinh?… Một từ ngữ rất mỹ miều! Những ngày đầu, tôi vẫn tự nhủ tất cả những thảm cảnh đang xảy ra trước mắt chỉ là một rủi ro lịch sử. Song, ngày lại ngày, mỗi đêm khi nằm xuống, nỗi thất vọng ê chề lại xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi tự hỏi như Job, là tại sao những thử thách ấy lại đổ chụp lên đầu dân tộc chúng ta mà không ở đâu khác. Tôi tự hỏi cái thế giới mà tôi đang sống là như thế nào, cái thế giới mà con người đang tìm cách bay vượt qua để lao về cái khoảng không mênh mông là như thế nào? Tại sao trước một thảm họa của tinh thần nhân loại như thế này mà con người có thể làm ngơ không biết tới? … Tôi chỉ có một con đường. Tôi sẽ tiếp tục lăn tảng đá lên đỉnh núi như Sisyphe trong thần thoại.
Chay Bofa hốt hoảng đứng bật dậy:
- Anh Suvantha..